PHỤC HỒI RĂNG THẨM MỸ và CHỨC NĂNG

PHỤC HỒI RĂNG THẨM MỸ và CHỨC NĂNG

Ngày đăng: 13/08/2024 03:13 PM

    Phục hồi răng nhằm khôi phục răng hỏng, nứt vỡ, dị dạng, mất thẩm mỹ hoặc thay thế những chiếc răng mất bằng cách sử dụng kỹ thuật tái tạo trực tiếp hoặc phục hình. Phương pháp này có thể tái cấu trúc hàm răng mà không ảnh hưởng đến xương hàm.

     

    Phục hồi răng có nhiều phương pháp :

    1. Trám răng

     

    • Trực tiếp:

          Khi vi khuẩn phá hủy men răng và tạo ra một lỗ, gọi là sâu răng. Những lỗ sâu răng nhỏ được chữa trị bằng cách trám răng. Trong quá trình này, nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng bị sâu, sau đó lấp đầy lỗ bằng vật liệu composite có màu răng. Trám răng giúp ngăn sâu răng tiến triển và giảm nguy cơ hư răng.

           Hoặc khi các răng bị thưa kẽ, cần làm đầy hoặc bề mặt răng khiếm khuyết, mất thẩm mỹ mà khách hàng chưa có điều kiện, thời gian thực hiện các phương pháp tái tạo khác thì trám răng cũng là một phương pháp được lựa chọn. Hiệu quả về mặt thẩm mỹ vẫn được đảm bảo tương đối.

     

    • Gián tiếp:

         Khi các vị trí sâu răng khó tái tạo trực tiếp trên miệng; nha sĩ có thể thực hiện miếng trán bên ngoài miệng ( bằng cách lấy dấu lại răng của khách hàng). Sau đó thực hiện gắn miếng trám vào lỗ sâu bằng xi măng nha khoa.

     

    2.  Phục hình cố định:

     

    • Dán sứ veneer 

         Bác sĩ mài một lớp mỏng ở bên ngoài răng, sau đó gắn mặt sứ veneer sứ lên bề mặt răng để che đi các khiếm khuyết. Dán veneer được sử dụng trong các trường hợp răng nám màu, nứt nhẹ hoặc thưa. Kỹ thuật này tạo ra diện mạo mới cho răng, tăng tính thẩm mỹ, thời gian điều trị nhanh chóng và có độ bền từ 8 – 10 năm, đồng thời bảo toàn tối đa mô răng tự nhiên.

     

    • Mão sứ

          Bọc sứ sử dụng mão răng sứ (rỗng ruột) để đặt lên cùi răng thật. Thường được áp dụng trong các trường hợp như sâu răng, viêm tủy hoặc nám màu nặng. Răng bọc sứ dù thẩm mỹ và đem lại khả năng nhai thức ăn thuận lợi nhưng phải mài cùi răng – một phương pháp can thiệp có xâm lấn. Nếu bạn bọc răng sứ ở cơ sở không đáng tin cậy, sẽ gây ra nhiều rủi ro và không đảm bảo độ bền cho việc phục hình.

     

    • Cầu răng sứ

          Cầu răng sứ là phương pháp khôi phục răng mất bằng cách sử dụng các răng lân cận làm trụ để hỗ trợ. Vật liệu được làm từ răng toàn sứ hoặc răng sứ kim loại (phổ biến là vật liệu Titan). Cầu răng sứ giúp khôi phục chức năng nhai khá tốt, màu sắc tự nhiên như răng thật, thời gian điều trị ngắn và chi phí tương đối hợp lý. 

         Tuy nhiên, kỹ thuật này không khắc phục được tình trạng mất xương hàm do mất răng lâu ngày và phụ thuộc vào sức khoẻ nha chu của các răng kế cận. Để làm cầu sứ, cần can thiệp mài răng bên cạnh để làm trụ. Do đó, quyết định thực hiện cầu răng sứ cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

     

    • Phục hình sứ trên implant

         Phục hình lại răng bị mất bằng cách cấy trụ Implant (thường làm từ Titanium) vào xương hàm, sau đó gắn mão sứ lên để tạo thành một chiếc răng hoàn chỉnh với cấu trúc gần giống răng thật (bao gồm chân răng và thân răng). 

        Mặc dù có chi phí cao, nhưng cấy ghép Implant áp dụng được cho nhiều trường hợp mất răng, khôi phục chức năng nhai gần như răng thật và mang lại tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, không gây xâm lấn cho các răng xung quanh.

     

    3.   Phục Hình Tháo Lắp

         Tùy thuộc vào tình trạng mất răng, bác sĩ sẽ thiết kế loại hàm tháo lắp phù hợp cho người bệnh. Phương pháp này không thích hợp cho trường hợp răng bị gãy vỡ, sứt mẻ. Hàm giả được tháo lắp dễ dàng, thuận tiện trong việc vệ sinh hàng ngày. Chải răng 2 lần/ngày và dùng dung dịch vệ sinh răng miệng mỗi ngày để tránh có mùi khó chịu trên răng.

     

    • Phục hình tháo lắp bán phần

        Áp dụng cho trường hợp bệnh nhân còn răng thật trên miệng. Hàm tháo lắp sẽ được liên kết với răng thật thông qua hàm khung có móc, móc đơn lẻ, thanh trượt, nắp chụp...

     

    • Phục hình tháo lắp toàn phần

          Áp dụng cho trường hợp bệnh nhân không còn răng thật trên miệng. Hàm tháo lắp sẽ được lưu giữ bởi sức căng bề mặt giữa hàm giả và sóng hàm hoặc được lưu giữ bởi implant.