Xử Trí Chấn Thương Ngoại Khoa

Xử Trí Chấn Thương Ngoại Khoa

Ngày đăng: 13/08/2024 03:30 PM

    Chấn thương là gì?

    Chấn thương là tình trạng cơ thể bị tổn thương do tác động từ bên ngoài. Bất cứ tác động, va đập nào khiến cơ thể bị thương tích, cả bên trong và bên ngoài.

    Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương. Những tổn thương nhẹ trên da như vết cắt nhỏ, trầy xước, hoặc bầm tím…, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ngược lại, chấn thương xảy ra trong lúc thể thao, tham gia giao thông,… lại có mức độ nghiêm trọng hơn, khả năng gây tàn phế như bong gân, đứt dây chằng, gãy/nứt xương,… 

    Những chấn thương này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sống của người bệnh. Lúc này, người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Điều trị kịp thời giúp cơ thể hồi phục tốt sau chấn thương, hạn chế tối đa các biến chứng.

    Chấn thương được chia thành các mức độ sau:

    • AIS 1: Chấn thương nhẹ
    • AIS 2: Chấn thương trung bình
    • AIS 3: Chấn thương nghiêm trọng
    • AIS 4: Chấn thương nghiêm trọng, đe dọa tính mạng
    • AIS 5: Chấn thương nguy kịch, không đảm bảo về tính mạng
    • AIS 6: Chấn thương dẫn đến tử vong

    Dấu hiệu chấn thương

    Các triệu chứng khi bị chấn thương thường rất rõ ràng, xảy ra ngay tại thời điểm người bệnh bị tai nạn hay va đập. Tùy vào loại hình tác động mà độ nghiêm trọng và các triệu chứng lâm sàng cũng khác nhau. 

    Những chấn thương xảy ra do bất cẩn hằng ngày như: trượt chân, té ngã nhẹ, bỏng, dao cắt sẽ có những triệu chứng:

    • Trầy xước, rách da bề mặt
    • Đau nhói tại vị trí bị va đập
    • Sưng nóng tại vị trí chấn thương
    • Sưng tấy, phồng rộp

    Đây là những triệu chứng nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Các cơn đau nằm trong ngưỡng chịu được và không gây cản trở cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.

    Với những tình trạng nghiêm trọng hơn như tai nạn phổ biến ở vận động viên, người lao động tay chân, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… thì những triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn:

    • Mất ý thức tạm thời, bất tỉnh
    • Mất khả năng hoạt động tạm thời tại vị trí bị chấn thương
    • Đau dữ dội, quá sức chịu đựng
    • Cản trở hô hấp như khó thở, thở gấp…
    • Máu chảy không kiểm soát

    Người bệnh gặp chấn thương nặng, nghiêm trọng cần nhanh chóng được can thiệp y khoa kịp thời. Tránh ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc tăng mức độ rủi ro, thậm chí gây tàn tật.

    Nguyên nhân gây chấn thương

    Nguyên nhân chấn thương phổ biến nhất là những tác động lực mạnh, bất ngờ lên cơ thể. Tuỳ mức độ tác động của nguyên nhân mà người bệnh có thể bị nhẹ hay nặng, nguyên nhân thường gặp như:

    • Bị động vật cắn
    • Té ngã nhẹ
    • Va chạm vào vật cứng
    • Bỏng nóng, bỏng lạnh
    • Giật điện

    Một nguyên nhân phổ biến khác có thể gây ra chấn thương là sử dụng sức mạnh quá mức một nhóm cơ bắp hay một bộ phận cơ thể và lặp lại trong thời gian dài. Nguyên nhân này thường gặp ở vận động viên, người làm nghề chân tay, hoặc người hoạt động sai tư thế.

    Việc liên tục tạo áp lực lên những vùng cơ, khớp của cơ thể trong thời gian dài sẽ gây viêm sưng, giảm chức năng hoạt động của vùng đó. Lâu ngày sẽ gây ra những bệnh lý xương khớp như: gãy xương, viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm gân, thoát vị đĩa đệm,…

     

    Dịch vụ xử trí chấn thương tại Phòng Khám Bác Sĩ Trịnh

    • Vết Thương Có Tổn Thương Da, Mô Dưới Da
    • Vết Thương Có Tổn Thương Gân, Cơ
    • Vết Thương Có Tổn Thương Xương
    • Tư Vấn, Điều Trị Các Vết Thương Khớp Và Dây Chằng

    Khi nào cần gặp bác sĩ?

    Người bị chấn thương từ mức độ AIS 3 trở lên cần nhanh chóng gặp bác sĩ. Chấn thương càng được xử lý sớm, hiệu quả điều trị sẽ càng cao. Những rủi ro về sức khỏe cũng được kiểm soát và hạn chế tối đa. 

    Với những chấn thương như xây xát da, bong gân, trật khớp,… người bệnh chỉ cần sát trùng và chăm sóc vết thương cẩn thận. Nếu những tình trạng này không được cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn (vết thương loét, chảy nhiều máu hơn; giảm biên độ chuyển động khớp, kèm cơn đau dữ dội) thì nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Chấn thương tác động đến sức khỏe

    Chấn thương gây ảnh hưởng đến sức khỏe được xếp vào mức độ nghiêm trọng. Khi gặp phải các tổn thương này, người bệnh cần phải được xem xét nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị của từng người trước khi tập phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng chỉ đóng vai trò khôi phục tối đa khả năng hoạt động còn lại của bộ phận đó.

    Vì vậy, đối với những chấn thương gây biến chứng vĩnh viễn như liệt tứ chi hay không thể đi lại, người bệnh còn bị tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, đối diện với những chứng bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm,…

    Bởi sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất có liên quan mật thiết đến nhau. Người bệnh dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, suy nhược tinh thần, làm trì trệ quá trình phục hồi sau chấn thương.

    Biến chứng của chấn thương

    Chấn thương thường gây ra những biến chứng gây suy giảm hoặc mất chức năng vận động của bộ phận bị chấn thương.

    Biến chứng sẽ không xảy ra với những chấn thương nhẹ (trầy xước,…). Tuy nhiên, đối với những vết thương hở, kích thước lớn, vết khâu sau phẫu thuật, người bệnh cần chăm sóc vết thương cẩn thận, giữ vết thương không bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng xảy ra sẽ khiến tình trạng vết thương bị lở loét, sưng tấy, đôi khi gây sốt; ảnh hưởng đến quá trình lành bệnh.

    Tương tự, những chấn thương như bong gân, viêm gân, trật khớp,… có thể gây suy giảm chức năng vận động (cứng khớp, giảm biên độ chuyển động khớp,…) nếu không được xử lý đúng cách. Từ đó ảnh hưởng lâu dài/vĩnh viễn đến khả năng vận động.

    Phương pháp chẩn đoán

    Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh gồm:

    • Siêu âm
    • Chụp X quang
    • Chụp cắt lớp CT
    • Chụp cộng hưởng từ MRI

    Những phương pháp này giúp đánh giá mức độ tổn thương hiện tại của vị trí/bộ phận bị chấn thương. Dựa vào đó, bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của người bệnh.

    Mỗi phương pháp chẩn đoán hình ảnh đều có những ưu nhược điểm riêng. Bác sĩ sẽ xem xét trên triệu chứng, loại chấn thương và mục tiêu chẩn đoán để chỉ định phương pháp phù hợp nhất cho người bệnh.

    Bên cạnh đó, việc xét nghiệm máu cũng thể hiện được những tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở bên trong cơ thể. Vì thế, xét nghiệm máu cũng là một phương pháp chẩn đoán thường được thực hiện đầu tiên trong quy trình thăm khám, để bác sĩ có thể đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của người bệnh.

    Điều trị chấn thương như thế nào?

    Các chấn thương nhẹ có thể xử lý đơn giản như chườm lạnh với vết bầm tím, sát trùng bằng cồn đỏ povidine và nước muối sinh lý với những vết thương hở, vết cắt. Thường xuyên vệ sinh vết thương hở là cách để ngăn chặn vết thương tiếp xúc với vi khuẩn và tạp chất bên ngoài môi trường. Từ đó sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi.

    Người bị bong gân, trật khớp mức độ nhẹ có thể kết hợp chườm đá, mát xa nhẹ nhàng khi có cơn đau và hạn chế vận động mạnh lên vùng bị thương. Để bộ phận bị tổn thương được ổn định và hồi phục.

    Đối với những chấn thương nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

    Biện pháp phòng ngừa

    Không có cách nào phòng ngừa được những chấn thương đột ngột. Bạn chỉ có thể hạn chế chấn thương đột ngột bằng cách: 

    • Cẩn thận trong đi lại, các hoạt động hằng ngày
    • Các vận động viên cần thực hiện bài tập đúng kỹ thuật. Và nên có khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định
    • Người lao động tay chân cần chú ý khuân vác vật nặng đúng tư thế hoặc có các dụng cụ hỗ trợ như đai lưng
    • Tuân thủ luật giao thông để hạn chế chấn thương do tai nạn giao thông

    Nếu trong nhà có người cao tuổi, hoặc trẻ nhỏ, bạn có thể làm giảm nguy cơ té ngã bằng cách:

    • Sắp xếp vật dụng trong nhà gọn gàng, ngăn nắp. Việc để đồ lộn xộn sẽ làm tăng nguy cơ té ngã ở người già và trẻ nhỏ
    • Giữ cho nhà luôn được sáng dù ban ngày hay ban đêm
    • Sử dụng các thảm chống trượt
    • Lưu ý về tính chắc chắn của các tay nắm cửa