Bệnh truyền nhiễm là gì?
Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây nhiễm, gây ra bởi các mầm bệnh là virus, vi khuẩn, nấm…, xâm nhập vào cơ thể từ bên ngoài. Bệnh cúm, sởi, Covid-19,… đều là những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến.
Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, bệnh lây đã khiến con người mất hơn 45 triệu năm vì khuyết tật, hơn 9 triệu người tử vong. Các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới đang có xu hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi thời tiết liên tục diễn biến cực đoan, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng khiến điều kiện sống của con người xuất hiện nhiều tác nhân tiêu cực, virus, vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo, thời tiết và ô nhiễm là những tác nhân làm gia tăng tình trạng bệnh tật của nhân loại như các bệnh hô hấp, các bệnh tim mạch, sốt xuất huyết…
1. Những đặc điểm chung của các bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm thường có các đặc điểm đặc điểm chung như sau:
- Tác nhân gây bệnh: do một hoặc nhiều mầm bệnh gây ra, có thể là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm… lây lan từ người qua người hoặc từ động vật qua người.
- Giai đoạn ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh thường chưa xuất hiện triệu chứng, thời gian ủ bệnh chủ yếu phụ thuộc vào độc tính của mầm bệnh và sức đề kháng của cơ thể mỗi người.
- Khả năng lây nhiễm: Bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây nhiễm sang chủ thể khác bằng nhiều đường khác nhau: máu, hô hấp, qua vết thương hở,…
- Triệu chứng lâm sàng: Xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình theo từng nhóm bệnh, đa số các bệnh truyền nhiễm thường có biểu hiện chung như: sốt cao, ho, ớn lạnh, chán ăn, tiêu chảy,…
- Khả năng bùng phát thành dịch: Khi không có biện pháp kiểm soát và phòng ngừa kịp thời, bệnh có thể bùng phát thành dịch.
- Khả năng phòng ngừa: Một số bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc xin, hiện nay đã có hơn 40 loại vắc xin phòng hơn 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
- Khả năng điều trị: Các bệnh truyền nhiễm đa số có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có diễn tiến bệnh rất nhanh, người bệnh tử vong khi chưa kịp chẩn đoán bệnh.
- Gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng: Bệnh lây nhiễm nhanh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, gây áp lực lên hệ thống y tế tại địa phương.
- Cần có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.
2. Phân biệt bệnh truyền nhiễm với các bệnh khác
Các triệu chứng bệnh truyền nhiễm khác với căn bệnh không lây nhiễm khác. Dưới đây là bảng phân biệt bệnh lây truyền với các căn bệnh không lây nhiễm thông thường:
LOẠI BỆNH | NGUYÊN NHÂN | SỰ LÂY NHIỄM | VÍ DỤ |
Truyền nhiễm | Sinh vật gây hại: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… xâm nhập từ bên ngoài vào trong cơ thể. | Có khả năng lây nhiễm từ người sang người (đường máu, hô hấp, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con…) hoặc từ vật sang người (vết côn trùng cắn,…) | Cúm, thuỷ đậu, HIV, HPV, Covid-19, sốt xuất huyết, quai bị, sởi, HPV, bạch hầu… |
Bệnh không lây nhiễm | Do tuổi già, môi trường sống ô nhiễm… | Không lây | Ung thư, đái tháo đường, hô hấp mãn tính, tim mạch. |
Nguyên nhân bệnh truyền nhiễm
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh lây truyền. Các căn bệnh lây nhiễm có thể gây ra do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm.
1. Vi khuẩn
Vi khuẩn là những vi sinh vật sống hay còn gọi là sinh vật đơn bào, sinh vật nhân sơ, chúng có kích thước siêu vi, cấu trúc tế bào đơn giản không có nhân. Vi khuẩn ở khắp mọi nơi, xung quanh ta, có thể ở bên trong cơ thể và trên da. Có nhiều vi khuẩn vô hại (thường sống trong ruột giúp tiêu hoá thức ăn, nâng cao miễn dịch) nhưng một số vi khuẩn nhất định giải phóng độc tố và gây bệnh. Vi khuẩn có nhiều hình dạng khác nhau, hình xoắn, hình cầu, hình que…
2. Virus
Virus là ký sinh trùng không có cấu trúc tế bào. Virus gồm các chuỗi đơn hoặc chuỗi kép acid nucleic và một vỏ protein bao quanh vật liệu di truyền là AND (axit deoxyribonucleic) hoặc ARN (axit ribonucleic) . Virus sống trong tế bào của cơ thể sống (vật chủ) và nhân lên. Một khi virus lây nhiễm vào cơ thể sẽ điều khiển bộ máy tế bào tạo ra nhiều virus hơn và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Các bệnh lây nhiễm do virus gây ra như: cúm, HIV, HPV,…
3. Ký sinh trùng
Ký sinh trùng sống ký sinh trên vật sống khác như cơ thể người, động vật, thực vật,…Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào vật chủ để tồn tại, phát triển. Ký sinh trùng không phải là một bệnh lý nhưng chúng có khả năng truyền bệnh, gây ra nhiều bệnh lý khác nhau trên cơ thể, trong đó có nhiều bệnh truyền nhiễm: sốt rét, sốt xuất huyết,…
4. Nấm
Giống như vi khuẩn, nấm có nhiều loại khác nhau, sống trên hoặc trong cơ thể. Nấm khi phát triển quá mức hoặc xâm nhập vào bên trong cơ thể qua miệng, mũi, vết cắt trên da có thể gây bệnh lây nhiễm.
Mức độ lây nhiễm và nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm được chia làm 3 nhóm. Mức độ lây nhiễm và nguy hiểm của từng nhóm khác nhau, cụ thể:
1. Bệnh lây truyền nhóm A
Nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm: sốt vàng, cúm A-H5N1, bệnh bại liệt… Bệnh thuộc nhóm này có khả năng lây nhiễm nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, chưa rõ tác nhân gây bệnh.
2. Bệnh lây truyền nhóm B
Nhóm B gồm các bệnh nguy hiểm: sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, thủy đậu, tay chân miệng, HIV/AIDS,… Khả năng lây lan bệnh nhanh và có thể gây tử vong.
3. Bệnh lây truyền nhóm C
Nhóm C gồm: giang mai, lậu, sán lá gan, bệnh Nocardia, bệnh phong,… là các bệnh lây nhiễm ít nguy hiểm, có khả năng lây bệnh không nhanh và ít có nguy cơ gây tử vong.
Đường lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm
Bệnh lây nhiễm có thể lây lan qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường máu, ….Trong đó, có 7 con đường lây truyền bệnh phổ biến nhất:
1. Đường hô hấp
Đây là con đường dễ phát tán nguồn bệnh nhất và rất khó kiểm soát. Bởi khi ho, hắt hơi, nói chuyện,.. sẽ tạo giọt bắn có chứa mầm bệnh. Giọt bắn này sẽ làm cho người tiếp xúc với người bệnh trong phạm vi dưới 1 mét có thể bị lây nhiễm. Các bệnh lây qua đường hô hấp: Cúm A/H5N1, cúm mùa, quai bị, Mycoplasma, dịch hạch, Haemophilus Influenzae type B,…
2. Đường tiêu hóa
Các bệnh lây qua đường tiêu hóa chủ yếu là do ăn, uống những loại thực phẩm nhiễm vi sinh vật có hại, còn được gọi là mầm bệnh. Chúng có thể là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm. Khi xâm nhập, chúng phát triển và làm tổn thương đường tiêu hóa, tiết ra độc tố gây bệnh: tiêu chảy cấp, lỵ, thương hàn, tả,…
3. Đường máu, dịch tiết cơ thể
Bệnh lây qua đường máu, dịch tiết cơ thể thường chứa mầm bệnh là vi sinh vật như virus hoặc vi khuẩn. Các bệnh lây qua đường máu, dịch tiết phổ biến nhất có thể kể đến: viêm gan B, viêm gan C, HIV, bạch cầu Lympho T.
4. Đường tiếp xúc trực tiếp
Đây là con đường lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây bệnh, có thể truyền trực tiếp từ người sang người mà không thông qua các vật trung gian.
5. Đường gián tiếp
Lây nhiễm qua đường tiếp xúc gián tiếp được hiểu là lây nhiễm do tiếp xúc giữa cơ thể với vật trung gian đã nhiễm mầm bệnh, thường là dụng cụ y tế, bơm kim tiêm, quần áo, tay bẩn,…
6. Đường côn trùng truyền bệnh
Côn trùng mang mầm bệnh, truyền bệnh qua người thông qua các vết đốt, chích trên cơ thể. Do côn trùng có nhiều loại, số lượng lớn nên nguy cơ lây lan bệnh nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh truyền qua côn trùng như: virus Zika, sốt vàng da, sốt rét, sốt phát ban Rocky Mountain,…
7. Ô nhiễm thực phẩm
Nguồn thực phẩm, nguồn nước bị ô nhiễm là nguồn gây lây nhiễm vi trùng gây bệnh. Cơ chế lây truyền bệnh này cho phép vi trùng lây sang nhiều người qua một nguồn duy nhất.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm. Trong đó, trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh.
- Người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Người cao tuổi, người mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch như: người đang điều trị ung thư, người sống chung với bệnh HIV,…
- Người mắc các bệnh ung thư.
- Người mắc các rối loạn liên quan đến miễn dịch.
- Người chưa tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm thông thường.
- Người thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh: bác sĩ, điều dưỡng,..
Hướng dẫn phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
Để giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền, bạn cần biết cách để phòng ngừa. Một số phương pháp giúp phòng ngừa bệnh lây nhiễm hiệu quả bao gồm:
1. Tiêm ngừa đầy đủ vắc xin
Vắc xin là phương pháp đơn giản, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả nhất có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tăng cường, huấn luyện hệ thống miễn dịch cách nhận biết, chống lại sự lây nhiễm từ tác nhân gây bệnh. Các bệnh lây truyền có thể phòng ngừa bằng vắc xin như: lao, bạch hầu, uốn ván, thương hàn, sởi, rubella, thủy đậu, viêm gan virus, viêm não Nhật Bản,…
Hiện nay, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC có đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và người lớn, danh mục lên đến hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm đa dạng, đa chủng loại với số lượng lớn, chất lượng cao. VNVC sẵn sàng cung ứng, bình ổn giá, cam kết không tăng giá cả trong thời điểm khan hiếm vắc xin. Với các gia đình Việt, VNVC là địa chỉ tiêm ngừa đáng tin cậy.
2. Vệ sinh cá nhân thường xuyên
Vệ sinh cá nhân thường xuyên giúp hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh. Cụ thể, bạn cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên vào thời điểm trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, sau khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, tiếp xúc với thú cưng,…
Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ vi trùng xâm nhập vào trong cơ thể, bạn cần lưu ý không chạm tay lên mắt, mũi, cho tay vào miệng,…
3. An toàn thực phẩm
Một trong những nguy cơ làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh, đó là sử dụng thực phẩm không an toàn. Do đó, để ngăn mầm bệnh xâm nhập, bạn nên ăn chín uống sôi, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ,… Đồng thời, dụng cụ nấu ăn, bếp nên được vệ sinh sạch sẽ trước khi chế biến thực phẩm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm gián tiếp mầm bệnh.
4. Sinh hoạt tình dục an toàn
Sinh hoạt tình dục an toàn là cách để phòng ngừa bệnh qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV,… Vì vậy, hãy luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời, nên hạn chế quan hệ với nhiều bạn tình, quan hệ đồng giới để tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
5. Phòng tránh các côn trùng truyền bệnh
Côn trùng là nguồn phát tán bệnh lây truyền nhanh chóng. Vì vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh, mỗi cá nhân, gia đình cần phòng tránh côn trùng truyền bệnh bằng cách sử dụng màn ngủ, hương xua, kem thoa, xịt côn trùng,…
6. Giữ môi trường sống sạch sẽ
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, khử trùng môi trường xung quanh một cách thường xuyên để phòng tránh bệnh. Theo đó, khu vực phòng ngủ, phòng khách, sân vườn,… nên được quét dọn hàng ngày.
Các biến chứng của bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau tùy thuộc vào loại vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm gây bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch của người bệnh. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến có thể xảy ra do bệnh lây nhiễm:
- Suy hô hấp: Các bệnh như cúm, COVID-19, viêm phổi có thể dẫn đến suy hô hấp, gây khó khăn trong việc thở.
- Nhiễm trùng máu (Sepsis): Sepsis là một phản ứng viêm cực kỳ nghiêm trọng có thể lan rộng khắp cơ thể và dẫn đến tổn thương nghiêm trọng các cơ quan, thậm chí tử vong.
- Biến chứng thần kinh: Một số bệnh như viêm màng não, Zika có thể gây ra các biến chứng thần kinh: viêm não, co giật, rối loạn chức năng thần kinh.
- Suy giảm chức năng cơ quan: Nhiều loại bệnh lây truyền có thể gây suy giảm chức năng của một hoặc nhiều cơ quan như suy thận, tổn thương gan do viêm gan B và C.
- Biến chứng tim mạch: Bệnh lây truyền có thể ảnh hưởng đến tim mạch, gây ra các vấn đề như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim.
- Biến chứng trong thai kỳ: Một số bệnh có thể gây hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi: sinh non, khuyết tật bẩm sinh.
- Kháng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị và gây ra các nhiễm trùng khó điều trị hơn.
Bệnh truyền nhiễm được chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán bệnh truyền nhiễm được thực hiện bởi các chuyên gia, đơn vị chăm sóc sức khỏe: bệnh viện, phòng khám,…thông qua một hoặc nhiều xét nghiệm:
- Lấy mẫu máu, nước tiểu, phân, nước bọt.
- Lấy sinh thiết hoặc cạo một mẫu da nhỏ.
- Chụp X-quang, chụp cộng hưởng MRI, chụp cắt lớp CT các bộ phận bị ảnh hưởng trên cơ thể.
- Nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm.
Các bệnh truyền nhiễm phổ biến
Các căn bệnh lây truyền phổ biến thường gặp bao gồm:
1. Các bệnh truyền nhiễm do Vi khuẩn
- Viêm họng liên cầu khuẩn
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Bệnh lao
- Viêm phổi
- Viêm màng não
- Nhiễm trùng huyết
2. Các bệnh truyền nhiễm do Virus
- Viêm gan A, B, C
- Thuỷ đậu
- Cảm lạnh
- Cúm
- Quai bị
- Sởi
- Rubella,
- HIV
- HPV
- Covid-19
- Bệnh dại
- SARS
3. Các bệnh truyền nhiễm do Ký sinh trùng
- Sán lá
- Sán dây
- Giun đũa, giun kim
- Sốt rét
- Sốt xuất huyết
- Trùng kiết lỵ (Entamoeba Histolytica)
4. Các bệnh truyền nhiễm do Nấm
- Bệnh candida
- Ghẻ ngứa Tinea cruris
- Bệnh ecpet mảng tròn
- Bệnh nấm men
⇒ Bạn có thể xem chi tiết hơn tại bài viết: Danh sách 47 bệnh truyền nhiễm thường gặp và độ nguy hiểm.
Các bệnh truyền nhiễm thường được điều trị như thế nào?
Các bệnh lây truyền được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Dựa trên đặc tính bệnh, các biện pháp điều trị sẽ được áp dụng để ức chế mầm bệnh, ngăn chặn tác nhân gây bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Bệnh do vi khuẩn: có thể được điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ sẽ sử dụng loại kháng sinh phù hợp để ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
- Bệnh do virus: đa phần bệnh đều có thể điều trị được bằng thuốc không kê đơn dựa trên các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm virus cần có các loại thuốc đặc biệt để điều trị, ức chế virus phát triển như liệu pháp kháng virus điều trị bệnh HIV.
- Bệnh do nhiễm nấm: được điều trị bằng thuốc chống nấm, có thể dùng theo đường uống như fluconazole (Diflucan) hoặc bôi thoa trực tiếp lên vùng da bị nấm như clotrimazole (Lotrimin).
- Bệnh do ký sinh trùng: có thể điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng như mebendazole (Em Verm).
Kết luận
Bệnh truyền nhiễm gây ra do virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng và có thể phòng ngừa bằng nhiều phương pháp, trong đó tiêm vắc xin được khuyến cáo là phương pháp phòng bệnh đơn giản, an toàn và tiết kiệm nhất Trong trường hợp mắc bệnh có triệu chứng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng, tránh bệnh tiến triển nặng, giảm nguy cơ lây truyền cho cộng đồng.