Tìm hiểu về hệ thống hô hấp
Hệ hô hấp có cấu tạo cơ bản chia thành 2 phần, nắp thanh quản được lấy làm ranh giới:
- Đường hô hấp trên nằm ở vị trí dưới thanh quản, bao gồm: Mũi, họng, xoang, hầu, thanh quản. Nhiệm vụ của các cơ quan này là đưa không khí vào bên trong, làm ấm không khí trước khi đưa vào phổi.
- Đường hô hấp dưới nằm dưới nắp thanh quản, bao gồm: Khí quản, cây phế quản, phế nang, màng phổi, phổi… có nhiệm vụ trao đổi khí, lọc không khí.
Hệ hô hấp có cấu tạo cơ bản chia thành 2 phần: đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới
Bệnh hô hấp là gì?
Bệnh hô hấp là bệnh lý gây ảnh hưởng đến các cơ quan, các mô trong phổi, hệ thống đường thở làm cho quá trình trao đổi khí trở nên khó khăn hơn. Các bệnh về đường hô hấp có thể nhẹ, tuy nhiên, bệnh cũng cũng có thể đe dọa đến tính mạng khi biến chứng gây viêm phổi cấp, suy hô hấp… Cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh lý đường hô hấp gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm. [1]
Bệnh đường hô hấp phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn ra theo mùa ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Số lượng ca bệnh tăng cao đột biến vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Số liệu cập nhật từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong tháng 10/2023, đã có tới gần 5000 trẻ mắc bệnh hô hấp: hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp,… Trong đó, 7-8% trẻ phải nhập viện điều trị.
Phân loại bệnh đường hô hấp
Bệnh đường hô hấp có thể phân loại dựa theo mức độ và vị trí bị bệnh. Cụ thể:
1. Phân theo mức độ cấp tính
- Bệnh hô hấp cấp tính
Các bệnh hô hấp cấp tính bao gồm: viêm họng cấp tính, viêm tai giữa cấp tính, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,… thường là các bệnh nhiễm khuẩn đường thở, từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí đến phổi. Đây là các bệnh đường hô hấp thường gặp trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và người lớn.
- Bệnh hô hấp mạn tính
Bệnh hô hấp mạn tính thường gặp bao gồm: Bệnh hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,… Các bệnh đường hô hấp mạn tính này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây ra gánh nặng kinh tế, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
2. Phân theo vị trí bị bệnh
- Bệnh đường hô hấp trên
Các cơ quan thuộc đường hô hấp trên tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân: virus, vi khuẩn, nấm,… gây ra các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng,…
- Bệnh đường hô hấp dưới
Các bệnh viêm đường hô hấp dưới bao gồm: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, lao phổi,… Trong đó, mức độ nghiêm trọng của các bệnh viêm đường hô hấp dưới cũng cao hơn bệnh đường hô hấp trên.
Nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp
1. Nguyên nhân do nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh đường hô hấp. Trong đó, có 3 tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp: virus, vi khuẩn, nấm. Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, khi nhiệt độ thay đổi thất thường, không khí kém lưu thông, virus, vi khuẩn và nấm càng có cơ hội sinh sôi, nhân rộng với tốc độ nhanh chóng. Hệ miễn dịch của cơ thể chưa kịp thích nghi, tạo cơ hội để các tác nhân gây nhiễm trùng xâm nhập và gây ra bệnh đường hô hấp.
2. Nguyên nhân đến từ môi trường
Ô nhiễm môi trường, bụi mịn từ môi trường sống gây ra nguy cơ cao đối với sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm có đến 4,2 triệu người tử vong do thường xuyên tiếp xúc với môi trường không khí bị ô nhiễm. Trong khi đó, 91% dân số thế giới đang sống ở những nơi có chất lượng không khí ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
3. Các nguyên nhân bệnh hô hấp khác
Ngoài ra, các bệnh đường hô hấp có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác như dị ứng, hút thuốc, chấn thương, ung thư,…
- Dị ứng: Hệ thống miễn dịch của một số người nhạy cảm với hóa chất cụ thể như phấn hoa, lông động vật, nước hoa,… còn được gọi là phản ứng dị ứng của đường hô hấp, khiến hệ hô hấp nhạy cảm, gây cảm giác khó thở, tức ngực, hắt hơi liên tục.
- Hút thuốc: Khói thuốc chứa hơn 60 hợp chất gây ung thư, trong đó có nitrosamine và hydrocarbon là 2 độc tố chính gây ung thư. Độc tố từ khói thuốc khi xâm nhập vào hệ hô hấp khiến một hoặc nhiều cơ quan bị viêm, gây ra các bệnh hô hấp.
- Chấn thương: Các chấn thương ở gần hoặc ở các cơ quan thuộc hệ hô hấp có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đường hô hấp. Các trường hợp viêm đường hô hấp thường do chấn thương xương sườn, lệch vách ngăn gây viêm mũi, viêm phổi, tràn khí màng phổi.
Các triệu chứng bệnh hô hấp thường gặp
1. Các triệu chứng tổng quát chung
Bệnh đường hô hấp phân thành các thể bệnh khác nhau, mỗi loại bệnh đều có triệu chứng riêng. Tuy nhiên, người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp đa phần đều gặp các triệu chứng chung:
- Khó thở
- Ho dai dẳng
- Thở rít,…
2. Các triệu chứng bệnh đường hô hấp trên
Người mắc bệnh đường hô hấp trên thường phải đối mặt với các triệu chứng như: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, sốt cao, hắt xì hơi liên tục,… Riêng với bệnh cảm lạnh, người mắc bệnh hầu như không sốt. Đây là điểm khác biệt so với các bệnh lý đường hô hấp trên khác.
Các triệu chứng viêm của bệnh đường hô hấp trên thường không quá nghiêm trọng, chỉ kéo dài vài ngày và đa phần không để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi liên tục và thực hiện điều trị.
3. Các triệu chứng bệnh đường hô hấp dưới
Các triệu chứng bệnh hô hấp dưới nhiều và thường nghiêm trọng hơn so với bệnh đường hô hấp trên. Triệu chứng chuyển biến từ nhẹ sang nặng với tốc độ nhanh chóng, với các biểu hiện lâm sàng: ho dai dẳng, ho ra máu, sốt cao, có nhiều dịch mũi, dịch đờm, thở gấp, tức ngực khi ho,… Một số bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi khi tiến triển nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Khi có các triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới, người bệnh nên chủ động đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Đặc biệt, khi có dấu hiệu: không thở được, toàn thân tím tái, đau thắt ngực,… người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để tránh bệnh chuyển biến xấu gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách phòng ngừa các bệnh đường hô hấp
Mỗi người có thể chủ động phòng ngừa các bệnh đường hô hấp bằng cách hạn chế ảnh hưởng từ tác nhân gây bệnh lên cơ thể. Một số giải pháp phòng ngừa hiệu quả được các chuyên gia y tế khuyến cáo như: tiêm chủng, có chế độ dinh dưỡng khoa học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bỏ thói quen xấu như hút thuốc,…
- Tiêm chủng: Chủ động tiêm chủng phòng các bệnh hô hấp như ho gà, viêm phổi, cảm cúm, viêm tai giữa,… được xem là giải pháp đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả. Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, hạn chế biến chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Các mũi tiêm phòng bệnh đường hô hấp nên được tiêm đầy đủ để tăng cường miễn dịch, chủ động phòng ngừa bệnh đường hô hấp cho bản thân và gia đình.
- Tích cực vệ sinh cá nhân và môi trường: Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh họng, mũi hàng ngày để chủ động phòng bệnh. Ngoài ra, để hạn chế tiếp xúc và lây bệnh do tác nhân từ bên ngoài, nên vệ sinh không gian sống sạch sẽ, sử dụng máy lọc không khí trong phòng, hút bụi và thay ga giường thường xuyên,…
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung các thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể: rau xanh, hoa quả tươi, thực phẩm chức năng,…
- Tăng cường thể dục thể thao: Tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, sản sinh kháng thể tốt chống lại tác nhân gây bệnh.
- Giữ ấm cơ thể: Giữ ấm cho cơ thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh, cúm và các vấn đề về đường hô hấp nghiêm trọng khác.
- Mang khẩu trang: Chỉ số ô nhiễm không khí cao, vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vì vậy, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh hít phải bụi mịn
- Hạn chế đến những nơi đông người: Nơi đông người là môi trường thuận lợi để bệnh đường hô hấp dễ dàng lây nhiễm và để phòng bệnh, nên hạn chế tụ tập ở những nơi đông người.
- Hạn chế đến những nơi nhiều khói bụi: Công trường đang thi công, nhà máy sản xuất khoáng sản, vật liệu xây dựng, đường phố,…là những nơi có nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm. Nên hạn chế đến những địa điểm này để tránh hít phải khói bụi, ảnh hưởng đến cơ quan thuộc hệ hô hấp.
- Bỏ các thói quen xấu như hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạn tính như viêm họng, hen suyễn, viêm phế quản, viêm xoang,…Vì vậy, nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe.
Chẩn đoán bệnh đường hô hấp như thế nào?
Để chẩn đoán các bệnh đường hô hấp, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, tiến hành kiểm tra hơi thở bằng cách sử dụng ống nghe để lắng nghe âm thanh bất thường trong phổi khi thở. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng quan sát cổ họng, tai, mũi của bệnh nhân. Nếu có các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang, chụp CT hoặc kiểm tra tình trạng phổi.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi để chẩn đoán chính xác bệnh đường hô hấp. Thiết bị kiểm tra độ bão hòa của oxy trong máu được sử dụng giúp bác sĩ xác định được lượng oxy mà phổi đã hấp thu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu đờm sau ho của bệnh nhân để xét nghiệm, xác định vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp.
Phương pháp điều trị bệnh đường hô hấp
Các bệnh lý đường hô hấp chủ yếu do virus gây ra. Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu là tập trung vào điều trị các triệu chứng bệnh. Hầu hết có thể tự điều trị khỏi tại nhà mà không cần đến thăm khám bác sĩ và sử dụng thuốc. Ngoài ra, nếu tình trạng viêm đường hô hấp do vi khuẩn gây ra, có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị.
Trong trường hợp bệnh nặng liên quan đến chức năng phổi, việc điều trị cần được chỉ định từ bác sĩ bao gồm: Sử dụng các loại thuốc đặc trị, phẫu thuật, sử dụng nguồn cung cấp oxy bổ sung, hoạt động phục hồi chức năng phổi,…
Kết luận
Bệnh hô hấp là một bệnh lý rất thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Hiện nay một số bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi do phế cầu, viêm phổi do HIB, ho gà, bạch hầu… đã có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, phụ huynh cần chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ và cả gia đình để giảm nguy cơ mắc bệnh, triệu chứng bệnh giảm nhẹ và hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.