Dị vật đường thở ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và biến chứng

Dị vật đường thở ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và biến chứng

Ngày đăng: 26/11/2024 07:56 AM

    Tết là những ngày tuyệt vời nhất trong năm, ngập tràn niềm vui bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải chú ý đến sức khỏe của mình. Đặc biệt, các bạn cũng phải để mắt đến trẻ em trong nhà. Lí do là vì ngày Tết cũng là thời điểm mà nguy cơ dị vật đường thở trẻ em gia tăng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về vấn đề này nhé. 

     

    1. Dị vật đường thở là gì?

    Dị vật đường thở là tình trạng vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường dẫn khí. Người bệnh sẽ đột ngột thấy khó thở hoặc không thở được.

    Tai nạn thường gặp ở trẻ em khi vừa ăn vừa nói cười hoặc trẻ ăn không đúng cách khiến thức ăn hoặc đồ vật rơi vào đường thở.

    Dị vật đường thở là một cấp cứu khẩn cấp do dị vật gây tắc đường dẫn khí dẫn đến suy hô hấp cấp tính.

    Người bệnh có thể tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng nặng nề do tổn thương các tạng không hồi phục như não, gan, thận.

     

    Dị vật đường thở là một cấp cứu khẩn cấp, thường gặp ở trẻ em

    Dị vật đường thở là một cấp cứu khẩn cấp, thường gặp ở trẻ em

     

    2. Nguyên nhân

    Một số trường hợp thường gặp gây dị vật đường thở bao gồm:

    • Thói quen ngậm đồ vật trong miệng, đặc biệt là những vật nhỏ, tròn.

    • Cha mẹ cho trẻ ăn những loại thức ăn trơn, tròn và dễ hóc.

    • Hít vào đột ngột với lực mạnh như động tác hút hoặc khi cười, khóc, la hét, sợ hãi.

    • Phản xạ đường thở của trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh khiến thức ăn dễ đi lạc vào đường thở.

    • Do tai biến y khoa như lấy dị vật mũi, nạo VA (một thủ thuật thường được sử dụng để loại bỏ mô bạch huyết vòm họng), cắt amidan, nhổ răng, tháo mắc cài.

    Thói quen ngậm đồ chơi trong miệng có thể dẫn đến dị vật đường thở

    Thói quen ngậm đồ chơi trong miệng có thể dẫn đến dị vật đường thở

     

    3. Dấu hiệu di vật rơi vào đường thở

    Hai dấu hiệu chính giúp gợi ý tình trạng dị vật đường thở bao gồm:

     

    ► Hội chứng xâm nhập

    Hội chứng xâm nhập là triệu chứng điển hình giúp gợi ý chẩn đoán dị vật đường thở. Các biểu hiện của hội chứng xâm nhập có thể gặp:

    • Trẻ đột nhiên ho sặc sụa, rũ rượi liên tục mặc dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.

    • Sau đó, trẻ khó thở dữ dội, tím tái và rơi vào mất ý thức. Trẻ có thể chết ngạt nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Trẻ ngạt thở do dị vật bịt kín đường hô hấp hoặc có thể do phản xạ co thắt thanh quản.

    • Tuy nhiên nhiều trường hợp dị vật sau khi rơi vào đường thở chỉ gây hẹp hoặc tắc một phần. Sau khi ho sặc sụa, trẻ lại thở lại được bình thường. Sau khoảng vài giờ, trẻ mới bắt đầu có biểu hiện khó thở tăng lên.

    • Ngoài ra, cha mẹ không phải lúc nào cũng chứng kiến tại thời điểm tai nạn xảy ra để ghi nhận hội chứng xâm nhập. Do đó, cha mẹ thường chỉ đưa con đến viện với triệu chứng ho, khàn tiếng và khó thở.

     

    Trẻ bị dị vật đường thở biểu hiện hội chứng xâm nhập như ho sặc sụa, rũ rượi

    Trẻ bị dị vật đường thở biểu hiện hội chứng xâm nhập như ho sặc sụa, rũ rượi

     

    ► Hội chứng khu trú

    Dị vật mắc lại tại các vị trí khác trên đường thở gây biểu hiện triệu chứng khác nhau trên lâm sàng.

    • Dị vật mắc vào thanh quản: Sau khi xuất hiện hội chứng xâm nhập, trẻ khó thở tăng, ho tăng, rũ rượi, thở rít, khàn tiếng tăng dần, có thể khó thở, tím tái.

    • Dị vật di chuyển trong khí quản nhưng không gây tắc hoàn toàn: Trẻ xuất hiện khó thở từng đợt. Sau hội chứng xâm nhập, trẻ trở lại bình thường, sau đó có cơn quấy khóc, giãy giụa, tím tái.

    • Dị vật gây tắc hoàn toàn khí quản: Ngay sau hội chứng xâm nhập, trẻ vật vã, tím tái, thở ngáp rồi rơi vào hôn mê, có thể tử vong nhanh chóng do ngừng thở, ngừng tim.

    • Dị vật rơi vào một bên phế quản: Sau khi ho sặc, trẻ trở lại bình thường, ăn uống, thậm chí chơi lại bình thường. Tuy nhiên, trẻ xuất hiện đau ngực 1 bên, ho từng cơn, triệu chứng khó thở thường xuất hiện muộn sau đó.

     

    Trẻ có biểu hiện khác nhau tùy vào vị trí dị vật mắc lại trên đường thở

    Trẻ có biểu hiện khác nhau tùy vào vị trí dị vật mắc lại trên đường thở

     

    4. Biến chứng nguy hiểm

    Dị vật đường thở có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

    • Tử vong do suy hô hấp cấp - biến chứng nguy hiểm nhất.

    • Tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy kéo dài.

    • Xẹp phổi: Dị vật sau khi mắc lại ở 1 bên phế quản khiến không khí không di chuyển được vào bên trong các phế nang, khiến vùng phế nang phía dưới đoạn tắc bị xẹp.

    • Viêm phế quản hoặc Viêm phổi tái diễn.

    • Áp xe phổi: Dị vật đường thở bị bỏ quên gây phản ứng viêm tại chỗ, tạo ổ áp xe trong phổi.

    Trẻ bị dị vật đường thở có nguy cơ tử vong do suy hô hấp cấp

    Trẻ bị dị vật đường thở có nguy cơ tử vong do suy hô hấp cấp

     

    5. Cách chẩn đoán

    Trước khi chẩn đoán xác định, bác sĩ cần đánh giá tình trạng người bệnh và xử trí ngay lập tức để cứu sống người bệnh.

    Chẩn đoán dị vật đường thở cần kết hợp khai thác triệu chứng lâm sàng gợi ý bệnh và các cận lâm sàng khác. Một số biện pháp có giá trị chẩn đoán bao gồm:

    • Chụp X-quang: Chụp X-quang cổ nghiêng phát hiện dị vật ở thanh quản hoặc đoạn trên khí quản. Chụp X-quang ngực thẳng, nghiêng giúp phát hiện dị vật đường thở có cản quang và đánh giá biến chứng tại hệ hô hấp kèm theo.

    • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Đây là cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán xác định dị vật đường thở, vị trí và các biến chứng kèm theo.

    • Nội soi khí - phế quản: Nội soi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán dị vật đường thở và cũng là biện pháp điều trị bệnh hiệu quả.

     

    6. Các cách sơ cứu

    Dị vật đường thở là cấp cứu khẩn cấp, có nguy cơ tử vong cao và để lại biến chứng nặng nề nếu không được xử lý kịp thời. Việc sơ cứu đúng cách giúp cứu sống người bệnh chỉ trong thời gian rất ngắn.

     

    ► Biện pháp vỗ lưng và ép ngực

    Biện pháp vỗ lưng và ép ngực hay nghiệm pháp Heimlich cho trẻ nhũ nhi (1 tháng đến 1 năm tuổi) được tiến hành như sau:

    • Đặt trẻ dọc theo cánh tay người sơ cứu, đầu thấp. Tay người sơ cứu đặt dọc lên đùi.

    • Dùng gót bàn tay còn lại vỗ lên lưng trẻ 5 lần.

    • Nếu dị vật không ra, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi vẫn ở tư thế đầu thấp. Dùng tay còn lại ấn ngực 5 lần tại phần dưới xương ức với tần suất 1 lần/giây đến khi dị vật bị tống ra ngoài.

    • Nếu trẻ lớn, có thể cho trẻ nằm ngang trên đùi người cấp cứu.

     

    Bạn cần tiến hành vỗ lưng và ép ngực ngay khi phát hiện trẻ bị dị vật đường thở

    Bạn cần tiến hành vỗ lưng và ép ngực ngay khi phát hiện trẻ bị dị vật đường thở

     

    ► Biện pháp vỗ lưng và ép bụng

    Biện pháp ép bụng sử dụng với trẻ lớn và người lớn, có thể thực hiện ở tư thế đứng, quỳ hoặc nằm. Biện pháp này được tiến hành khi nạn nhân còn tỉnh táo có thể đứng hoặc quỳ:

    • Người sơ cứu đứng ở phía sau, vòng tay qua người nạn nhân.

    • Đặt gót bàn tay lên bụng bệnh nhân ở vùng trên rốn, dưới mũi ức. Tay còn lại đặt lên trên, dùng lực cả 2 tay ép mạnh lên bụng về phía sau.

    • Ấn 5 lần đến khi dị vật được bật ra ngoài.

     

    Người sơ cứu cần nhanh chóng tiến hành nghiệm pháp vỗ lưng, ép bụng khi phát hiện nạn nhân

    Người sơ cứu cần tiến hành nghiệm pháp vỗ lưng, ép bụng khi phát hiện nạn nhân

     

    ► Khi chính bạn bị hóc

    Nếu chính bản thân bị dị vật đường thở, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

    • Nắm chặt một tay lại, đặt lên trên rốn. Dùng bàn tay kia nắm lấy tay bên này.

    • Cúi người, áp vùng bụng lên một bề mặt cứng như ghế tựa, hàng rào, lan can...

    • Thúc mạnh nắm đấm theo hướng vào trong và lên trên một cách dứt khoát.

    • Lặp lại đến khi dị vật bật ra ngoài.

     

    Bạn hãy tiến hành ép mạnh nắm tay vào vùng thượng vị để tống dị vật ra ngoài

    Bạn hãy tiến hành ép mạnh nắm tay vào vùng thượng vị để tống dị vật ra ngoài

     

    ► Người bị hóc dị vật đã bất tỉnh

    • Nếu người bị hóc dị vật đã bất tỉnh, người sơ cứu cần nhanh chóng đặt người bệnh nằm ngửa lên mặt phẳng và quỳ xuống, dạng 2 chân bên cạnh người nạn nhân.

    • Đặt gót lòng bàn tay lên vùng trên rốn, dưới chóp xương ức. Bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Dùng lực ấn mạnh và dứt khoát vào bụng nạn nhân theo hướng từ dưới lên trên.

    • Ấn bụng lặp lại 6 - 10 lần cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

    Chú ý: Khi phát hiện người bị dị vật đường thở, hãy cố gắng trấn an nạn nhân, không cố gắng dùng mẹo, dùng tay để móc dị vật. Không vuốt xuôi xuống để tránh làm dị vật chui sâu vào đường thở.

     

    Bạn cần đặt người bệnh xuống nền cứng và ép tay vào dưới mũi ức của nạn nhân

    Bạn cần đặt người bệnh xuống nền cứng và ép tay vào dưới mũi ức của nạn nhân

     

    7. Khi nào cần gặp bác sĩ

    ► Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

    Bất cứ khi nào có dấu hiệu của dị vật đường thở, bạn cần tiến hành sơ cứu ngay tại chỗ để tống dị vật ra ngoài. Sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra và tránh nguy cơ biến chứng.

    Nếu sau khi làm mọi thao tác sơ cứu như trên mà dị vật không bắn ra ngoài được, cần khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

     

    ► Nơi khám chữa dị vật đường thở

    Dị vật đường thở là một cấp cứu khẩn cấp, do đó khi có dấu hiệu bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.

    Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn đieeuf trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:

    • Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện 115.

    • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn.

     

    8. Các phương pháp chữa bệnh

    Các phương pháp điều trị dị vật đường thở tùy thuộc vào giai đoạn nạn nhân được đưa đến.

     

    Nội soi khí phế quản tìm và gắp dị vật

    Sau khi tiến hành sơ cứu mà vẫn không tống được dị vật ra ngoài, bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành nội soi khí phế quản để quan sát trực tiếp và gắp dị vật ra ngoài.

    Đôi khi trẻ được đưa đến với các dấu hiệu không điển hình, trên các biện pháp chẩn đoán hình ảnh không quan sát thấy dị vật. Khi đó, nội soi khí - phế quản sẽ là biện pháp có giá trị chẩn đoán kết hợp với điều trị hiệu quả.

     

    Nội soi khí - phế quản là biện pháp chẩn đoán và điều trị dị vật đường thở hiệu quả

    Nội soi khí - phế quản là biện pháp chẩn đoán và điều trị dị vật đường thở hiệu quả

     

    Sử dụng thuốc

    Những trường hợp dị vật đến muộn có nguy cơ gặp các biến chứng như viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản... Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề để điều trị cũng như hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

     

    9. Biện pháp phòng ngừa

    Cha mẹ có con nhỏ phải luôn cảnh giác phòng ngừa bệnh dị vật đường thở. Tuyên truyền rộng rãi cách phòng ngừa dị vật đường thở cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc trẻ. Các biện pháp phòng ngừa dị vật đường thở:

    • Không cho trẻ ngậm đồ chơi, thức ăn trong miệng.

    • Thận trọng khi cho trẻ ăn thức ăn trơn, dễ hóc như thạch, trân châu.

    • Loại bỏ sạch sẽ hạt của hoa quả dễ gây hóc như hạt na, hạt nhãn, hạt vải, hạt cam.

    • Không dùng thuốc dạng viên cho trẻ dưới 4 tuổi.

    • Tránh mọi hình thức cưỡng ép, bịt mũi khi cho trẻ ăn để ép trẻ nuốt thức ăn, đặc biệt là chất lỏng.

    • Loại bỏ thói quen ngậm đồ vật, không cười đùa, nói chuyện trong khi ăn.

    • Phát hiện sớm hoặc nghi ngờ dị vật đường thở, phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

     

    Cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ ăn uống để phòng dị vật đi lạc vào đường thở

    Cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ ăn uống để phòng dị vật đi lạc vào đường thở

     

    Xem thêm:

    Dị vật đường thở là cấp cứu thường gặp trong cuộc sống, có nguy cơ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề. Do đó, việc phát hiện và sơ cứu đúng cách vô cùng quan trọng. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!

     

     

    Để đặt lịch thăm khám và điều trị bệnh với các chuyên gia bác sĩ của Phòng khám Bác sĩ Trịnh, xin vui lòng liên hệ:

    =================================

    Phòng khám Bác sĩ Trịnh - Trao bạn sự chăm sóc tận tâm nhất

    Thời gian làm việc : Tất cả các ngày trong tuần, từ 06H30 đến 20H00

    Hotline : 0866.620.892 - 0935.716.563

    Địa chỉ : Pk Bs Trịnh -Cầu II, Đồng Tiến, Đồng Phú, Bình Phước ( gần trung tâm thành phố Đồng Xoài)

    PHÒNG KHÁM BÁC SĨ TRỊNH / PHÒNG KHÁM ĐA KHOA BÌNH PHƯỚC